Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Tục làm vía của người Thái

Tín ngưỡng, phong tục, tập quán của mỗi tôn giáo... Luôn gắn liền với sự ra đời của mỗi tộc người. Đó chính là những yếu tố góp phần làm nên bản sắc riêng và phân biệt giữa các tộc người với nhau. 

Và đương nhiên là trong sự giao lưu kinh tế và văn hóa sẽ không thể tránh khỏi sự giao thoa, nhưng cũng chính sự giao thoa ấy đã làm cho các nền văn hóa của các tộc người xích lại gần nhau hơn, dễ hiểu hơn và dễ được chấp nhận hơn, nhất là trong thời đại mới.
Phong tục làm vía của người Thái ở Nghệ An
Phong tục làm vía của người Thái theo tiếng Thái là “ê ê vắn’’. “Vắn’’là linh hồn (mặt tinh thần của con người). Linh hồn của những người đã chết gọi là “ghí’’(ma).

Đồng bào người Thái ở Nghệ An quan niệm rằng: Con người ta tồn tại được là nhờ có linh hồn, linh hồn của người nào được khỏe mạnh, thoải mái thì người đó mới được mạnh khỏe và hoạt động bình thường. Ngược lại, linh hồn của người nào không khoẻ mạnh thì người đó không bình thường, không minh mẫn để làm ăn được. Vì thế nên người Thái mới cần nhờ thầy mo cúng giúp để được mạnh khỏe, bình yên.

Như vậy, người không có hồn nữa là nguy hiểm. Cho nên người Thái rất quan tâm đến phần hồn, ngay cả khi còn sống. Mỗi khi có sự việc liên quan đến tinh thần, tình cảm là đồng bào tổ chức lễ nhằm động viên, bồi dưỡng hoặc tìm gọi linh hồn về. Việc tổ chức làm lễ như vậy đều được gọi là làm vía (ê ê vắn). Hầu hết đồng bào NGƯỜI THÁI đều được làm vía, số lần làm vía của mỗi người ít, nhiều có khác nhau, nhưng không có ai là không làm và mỗi lần làm đều có mục đích, yêu cầu cụ thể khác nhau, ngay cả cách gọi tên lễ cũng khác nhau.

Khi đứa trẻ mới ra đời được một thời gian, gia đình tổ chức làm vía cho nó giống như tục lễ cúng “mụ’’cho trẻ sơ sinh của người Kinh. Lễ này người Thái gọi là “vắn hình chông”. Lễ vật và nghi thức của “vắn hình chông’’gồm 2 quả trứng gà, 1 cái vòng tay hoặc vòng cổ, 1 cái vợt (dụng cụ để xúc tôm cá ở ruộng, suối) và 1 ít tã lót của đứa trẻ và tất cả được bỏ vào một cái mâm. Thầy mo (người cúng hộ) lấy một cành dâu tươi bắc lên sàn (nơi người mẹ nằm sinh) để làm cái thang tượng trưng và đọc bài chúc làm lễ. 

Khi đứa trẻ đã được 5, 6 tháng tuổi và đã biểu hiện rõ nét (gien) giống người nhà thì người Thái tổ chức cúng vía mừng vui và cầu mong cho đứa trẻ khỏe mạnh, chóng lớn, không ốm đau. Lễ làm vía này gọi là “vắn chôm” hay còn gọi là vía mừng sự đầu thai trở lại của người thân.

Ngày lễ cưới được tổ chức, khi đôi vợ chồng mới dắt tay nhau vừa lên khỏi cầu thang nhà chồng thì mẹ chồng cùng các chị dâu đón vào làm vía mừng dâu, gọi là “vắn pớ’’ trước khi làm vía nhập ma nhà. Lễ vật của “vắn pớ’’gồm có váy áo mới đẹp, vòng nhẫn và bộ đồ áo tang đã may sẵn theo tục lễ, tất cả cũng được để trong 1 cái mâm.

Khi lao động hay đi rừng, đi đường… nhiều lúc chẳng may gặp tai nạn suýt chết, làm cho con người khiếp sợ (mất hồn mất vía). Để cho con người khỏi vì khiếp sợ mà sinh ra yếu bóng vía hay sợ sệt, giật mình hoặc thậm chí mất trí, người Thái tổ chức làm vía để củng cố, động viên hoặc gọi hồn về. Lễ vía này gọi là “vắn xên’’ hay “vắn òn’.

Khi có người thân đi xa lâu ngày mới về hoặc người thân phải chia tay ra đi người ta cũng làm vía để người ra đi được mạnh khoẻ, may mắn, phấn khởi. Lễ vía này gọi là “vắn chôm’’.

Cha mẹ già ở xa lâu ngày đến thăm con cháu, cũng được con cháu đáp lại bằng cách làm vía cho cha mẹ, để cảm ơn và cầu chúc cha mẹ mạnh khỏe sống lâu. Lễ vía này người Thái gọi là “vắn huổng’’.

Khi trong nhà có cha mẹ già ốm đau lâu dài, để cầu mong cho người già chóng khỏi bệnh, mạnh khỏe, ngoài việc chăm sóc làm việc thuốc thang người Thái không quên làm vía và lễ vía này gọi là “hoong vắn gioong châu’’. Nghi thức và lễ vật gồm có chiếc áo của người già bị đau ốm, một gói cơm, một gói muối và một thanh củi đang cháy (làm bó đuốc) trao cho thầy mo. Thầy mo sau khi xem ngày tốt xấu sẽ đến ngồi trước cầu thang nhà đọc bài cúng để đi tìm hỏi hồn người thân (ông bà tổ tiên) ở mường Trời hay ở mường Ma về phù hộ giúp đỡ hồn người ốm đau nếu bị ai đó gọi đi đâu hoặc thất lạc ở đâu thì mau chóng trở về. 

Ngoài một số lễ vía đã kể trên, người Thái còn làm nhiều vía khác nữa và tuy khác nhau về nghi thức cũng như lễ vật nhưng tất cả các cuộc làm vía khi kết thúc thì người được làm vía đều được cột chỉ ở cổ tay. Đó là dấu hiệu đặc trưng của làm vía. Theo phong tục, nam cột cổ tay là sợi chỉ đen, nếu là nữ là sợi chỉ trắng (Bằng sợi đay hoặc sợi vỏ cây cọ bạng).

Qua tìm hiểu tục làm vía của người Thái ở Nghệ An, thông qua các luật tục được truyền giữ từ lâu đời, quan niệm của người Thái về cuộc sống, về đạo lý làm người, về trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi thành viên đối với gia đình và với cả cộng đồng đã hết sức cụ thể và rõ ràng. Có thể nói, chính nhờ có những luật tục đó mà trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, người Thái ở Nghệ An nói riêng, người Thái trong cả nước nói chung vẫn bảo tồn, lưu giữ được những nét độc đáo, đặc sắc riêng, góp phần làm nên một văn hoá Việt Nam thống nhất nhưng đa dạng, phong phú.

Như vậy, tìm hiểu tục làm vía người Thái cũng như tìm hiểu văn hoá các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam là việc làm cần thiết để trong thời đại “toàn cầu hoá” hiện nay, chúng ta vững vàng tham gia “hội nhập” nhưng không thể “hoà tan”. Đó cũng là việc làm tất yếu, thiết thực để góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nguồn: lichvansu.wap.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét